HIỆU QUẢ CỦA GIÁO DỤC TÂM LÝ TRONG ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TRẦM CẢM CHỦ YẾU TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

830
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rối loạn trầm cảm chủ yếu chiếm tỉ lệ từ 5% đến 10% dân số, có khả năng đe dọa tính mạng của con người và ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, gây ra tổn hại to lớn cho xã hội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những công trình nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị bệnh trầm cảm, tuy nhiên đa phần các nghiên cứu liên quan đến thuốc, còn những nghiên cứu về điều trị tâm lý, giáo dục tâm lý cũng như điều trị kết hợp thuốc và tâm lý vẫn chưa có nhiều. Vì vậy tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: “Hiệu quả của giáo dục tâm lý trong điều trị rối loạn trầm cảm chủ yếu tại bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh” với mong muốn thông qua hoạt động giáo dục tâm lý, bệnh nhân sẽ đáp ứng với điều trị tốt hơn, từ đó có những khuyến cáo, có những phác đồ trị liệu đầy đủ hơn cho công tác khám chữa bệnh.

  1. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

2.1.    Mục tiêu tổng quát: Đánh giá hiệu quả của giáo dục tâm lý trong điều trị trầm cảm tại bệnh viện Tâm thần TP. HCM.

2.2.    Mục tiêu cụ thể

–     Khảo sát đặc điểm của mẫu nghiên cứu

–       Đánh giá hiệu quả điều trị sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng

  1. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1.    Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng.

3.2.    Mẫu nghiên cứu

Cỡ mẫu: Cỡ mẫu được tính bằng công thức ước tính cỡ mẫu cho một nghiên cứu can thiệp với hai nhóm đối tượng. Ước lượng tỉ lệ bệnh nhân rời khỏi nghiên cứu là 10 %, nên tôi chọn cỡ mẫu là 42 cho mỗi nhóm.

3.3.    Phương pháp điều trị

3.3.1. Thuốc

3.3.2. Giáo dục tâm lý

Do giới hạn nguồn lực và cơ sở vật chất nên chương trình giáo dục tâm lý trong nghiên cứu này được thiết kế gồm 3 phiên điều trị nhưng vẫn đảm bảo các mục tiêu chính: Tạo mối quan hệ liên minh trị liệu; Giáo dục sức khỏe về bệnh; Kỹ thuật kích hoạt hành vi cho trầm cảm; Nhận thức cơ chế sinh bệnh trầm cảm và cách điều hòa cảm xúc, ứng phó với khủng hoảng.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Qua nghiên cứu trên 89 bệnh nhân trầm cảm, chia thành 2 nhóm, nhóm điều trị bằng thuốc và nhóm điều trị bằng giáo dục tâm lý kết hợp với thuốc, tôi rút ra được kết luận như sau:

–         Sự khác biệt các đặc điểm về dịch tể và lâm sàng giữa hai nhóm không có ý nghĩa về mặt thống kê.

–        Các triệu chứng bệnh đều cải thiện, đặc biệt triệu chứng sụt cân, chán ăn và triệu chứng mệt mỏi, mất năng lượng cải thiện rõ rệt ở nhóm điều trị thuốc kết hợp giáo dục tâm lý

–        Điểm trung bình thang HAM-D của nhóm giáo dục tâm lý kết hợp thuốc thấp hơn nhóm chứng, rõ rệt sau 3 tháng điều trị

–        Tỉ lệ đáp ứng điều trị của nhóm giáo dục tâm lý kết hợp thuốc cao hơn nhóm chứng, rõ rệt sau 3 tháng và sau 6 tháng điều trị.

–        Ở những mức độ và thời gian điều trị khác nhau, các yếu tố như giới tính nữ, trình độ học vấn từ THCS, kết hôn, nhóm lao động chân tay, trầm cảm tái phát, thời gian trầm cảm trên 6 tháng, trầm cảm nhẹ-trung bình là những yếu tố giúp cải thiện trầm cảm khi can thiệp giáo dục tâm lý cho bệnh nhân

  1. ỨNG DỤNG ĐỀ TÀI

Đề tài sẽ được bắt đầu ứng dụng thực tế ngay sau khi được nghiệm thu. Giáo dục tâm lý sẽ được trở thành một phần trong quy trình trị liệu cho bệnh nhân khi mới bắt đầu đến điều trị tại bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh. Việc áp dụng phương pháp này sẽ được thực hiện tại khoa khám bệnh và khoa Tâm lý Y học trong việc phối hợp điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn trầm cảm chủ yếu.

 Trịnh Tất Thắng, BS. Đỗ Chính Thắng

Chia sẻ