FDA CHẤP THUẬN MỘT THUỐC CHỐNG TRẦM CẢM MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRẦM CẢM NẶNG

433

Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US Food and Drug Administration – FDA) vừa chấp thuận levomilnacipran, một chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI), biệt dược  Fetzima  trong điều trị trầm cảm nặng (major depressive disorder- MDD) ở người lớn. Đây là loại thuốc thứ 4 trong nhóm SNRI được chấp thuận tại Hoa Kỳ.

Fetzima được bào chế dạng phóng thích chậm, uống 1 viên/ ngày. Theo hãng bào chế, tác dụng ức chế tái hấp thu norepinephrine của Fetzima  lớn hơn tác dụng ức chế tái hấp thu serotonine trong ống nghiệm mà không ảnh hưởng trực tiếp tới tái hấp thu dopamine hay các chất chuyển vận thần kinh khác.

Ts Michael Liebowitz, Gs lâm sàng ĐH Columbia, New York City cho biết:  đối với bệnh nhân trầm cảm nặng các bác sĩ phải cố gắng chọn lựa thuốc chống trầm cảm để điều trị hiệu quả, và Fetzima là sản phẩm giúp bác sĩ. Fetzima là sản phẩm của 2 hãng dược, Pierre Fabre Laboratoires và Forest Laboratoires.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm pha 3 trình bày tại European College of Neuropsychopharmacology cho thấy liều lượng hàng ngày của Fetzima là 40 mg , 80 mg, và 120 mg có hiệu quả cải thiện triệu chứng trầm cảm so với giả dược.

Tác dụng phụ thường gặp (hơn 5 % và ít hơn 2 lần so với giả dược) khi sử dụng Fetzima là buồn nôn, ói,táo bón, tăng tiết mồ hôi, tăng nhịp tim, hồi hộp và rối loạn cương dương. Các biểu hiện này thường xảy ra thoáng qua khi tăng liều từ 40 – 120 mg. Tác dụng phụ duy nhất (hơn 2 %) là bí tiểu và rối loạn cương dương.

Levomilnacipran tác động giống như milnacipran, được chấp thuận điều trị tại Pháp từ năm 1996 sau venlafaxine. Ở Hoa Kỳ, milnacipan không được nghiên cứu một cách có hệ thống, xuất hiện muộn hơn và được FDA chấp thuận dùng điều trị đau (fibromyalgia)

Rối loạn trầm cảm là một tình trạng bệnh lý tâm thần ngày càng phổ biến – bao gồm, hoặc giai đoạn trầm cảm nặng trong rối loạn khí sắc lưỡng cực, hoặc chỉ có một giai đoạn trầm cảm, hoặc tình trạng trầm cảm trong bệnh tâm thần phân liệt, trong bệnh đái tháo đường, trong giai đoạn sau đột quỵ, sau tai biến mạch máu khác, trong các bệnh ung thư, nghiện ma tuý, và sau khi sanh, v.v… Chính vì vậy cần có cái nhìn tổng thể và chuyên khoa hơn về trầm cảm. Và, đặc biệt cần thiết hơn nữa là lựa chọn chỉ định loại thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm nào trong các bệnh lý kể trên vì sự “khó dùng” và tương tác thuốc phức tạp.

Nhóm thuốc SNRI hiện tại gồm venlafaxine (Effexor), venlafaxine XR ( Effexor XR), duloxetine (Cymbalta).

Các nhóm thuốc chống trầm cảm khác (serotonin selective reuptake inhibitors, dopamine – norepinephrine reuptake inhibitors, serotonin – modulators, norepinephrine – serotonin modulators đều khá phổ biến. Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricyclics) cũng hiệu quả nhưng hiện nay ít phổ biến hơn. Nhóm MAOIs không được ưa dùng vì thêm chỉ định khá nghiêm ngặt về sử dụng thực phẩm.

Các thay đổi sinh học thần kinh và triệu chứng trầm cảm trên lâm sàng có thể giống nhau, nhưng hiệu quả điều trị trầm cảm rất khác nhau từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, và có thể khác nhau giữa các dân tộc và nền văn hoá khác nhau. Chính vì vậy, hoàn toàn không nên tự dùng thuốc chống trầm cảm trước khi thăm khám chuyên khoa tâm thần.

Bs Phạm Văn Trụ Bv TT Tp Hồ Chí Minh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Caroline Cassels . FDA Approves New SNRI for Major Depression. FDA Approvals > Medscape Medical News. Jul 26, 2013.
2. Lauren B. Marangell, MD. Jame M. Martinez, MD. Jonathan M, Silver, MD. Stuart C. Yudofsky, MD. Concise guide to Psychopharmacology. American Psychiatric Publishing. Inc. 2002.
3. Mivhael E. Thase, MD. Jul 26, 2013. Levomilnacipran: A Brief Overview. Medscape Psychiatry.