ĐỊNH NGHĨA NGHIỆN NGẬP VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ

2323

I. Mở Đầu:
Nghiện là một môn hình thành từ môn tâm thần học, môn sức khỏe công cộng và một số chuyên khoa y khác nữa. Thời gian đầu những cách tiếp cận chỉ tập trung vào các chất như rượu, thuốc lá, chất ma túy, các loại thuốc gây nghiện…Sự gần gũi về lâm sàng, về sinh lý thần kinh, về trị liệu và những dạng nghiện ngập không hề liên quan đến chất gây nghiện như nghiện chơi bài, nghiện game online… đã làm xuất hiện khái niệm chung về nghiện ngập.

Thuật ngữ nghiện ngập (addiction) có nguồn gốc từ chữ cái latin “addictere” chính là hình phạt cổ xưa nhằm mục đích cho những người phạm lỗi sửa chữa, thay đổi bản thân mình. Những sự tiến triển mới đây đã làm rõ định nghĩa về lâm sàng cũng như về những chiến lược trị liệu. Điều này cho phép sự thấu hiểu hơn về những rối loạn này cũng như tạo điều kiện áp dụng các phương pháp trị liệu phù hợp hơn.

II. Những chất hướng tâm thần:
Năm 1968 những chất gây nghiện được tổ chức y tế thế giới định nghĩa là những chất có khả năng dẫn đến những tình trạng sau:
– Một tình trạng dung nạp tăng  đòi hỏi liều lượng ngày một cao.
– Một tình trạng quen thuốc dẫn đến tình trạng đòi hỏi phải tăng liều lượng ngày càng cao để đạt được những cảm giác mong muốn.
– Một sự phụ thuộc cơ thể với sự xuất hiện hội chứng cai khi ngưng sử dụng chất này.
– Một sự phụ thuộc tinh thần đòi hỏi phải sử dụng chất này để có được cảm giác thoải mái hoặc làm mất đi những cảm giác khó chịu khi ngưng sử dụng.

Năm 1970 Delay và Deniker tiếp sau sự phân loại các thuốc hướng thần, họ đã đề xuất một bảng phân loại các chất gây nghiện bao gồm:

Những chất an thần kinh, những chất này có tác dụng làm giảm sự hưng phấn các hoạt động của tâm thần; những chất gây hưng phấn, làm tăng các hoạt động tâm thần và nhóm thứ ba là những chất gây loạn thần, những chất này gây biến đổi tình trạng tâm thần, gây hiện tượng ảo giác, hoang tưởng…

Từ năm 1987 với sự xuất bản cuốn DSM-III-R, bảng phân loại quốc tế về các rối loạn tâm thần, DSM-IV-TR và ICD-10 đã định hướng các chất có khả năng đưa đến một tình trạng ngộ độc hay tình trạng say xỉn, một hội chứng cai, một sự lạm dụng hay tình trạng sử dụng có nhiều tác hại và một sự phụ thuộc.

Những chất bất hợp pháp như cannabis hay cocaine là những chất bị cấm sử dụng ngay cả ở những nơi riêng tư. Nếu bị phát hiện sẽ bị pháp luật xử phạt. Ngược lại sử dụng những chất không bị cấm chỉ bị phạt ở trong một số trường hợp như xỉn say ở nơi công cộng, uống rượu khi lái xe hoặc ở sở làm việc, hút thuốc lá nơi công cộng. Thế nhưng sự phân biệt những chất ma túy bất hợp pháp và những chất không bị cấm về mặt luật pháp hiện nay vẫn tồn tại thì lại rất ít liên quan đến các nhà lâm sàng vì họ quan tâm rất nhiều đến những sử dụng bệnh lý.

Sự phân biệt giữa những chất gây nghiện “nhẹ” và những chất gây nghiện “nặng” xuất hiện từ những năm 1970 thì không có một sự định nghĩa rõ ràng về mặt khoa học. Sự phân biệt này có nhiều hạn chế vì trong thực tế hiện nay, nhất là một số trẻ vị thành niên sử dụng rượu hoặc cannabis với số lượng lớn dẫn tới những tình trạng không thể kiểm soát nổi từ đó xuất hiện khái niệm sử dụng rượu và cannabis “nặng”.

III. Những mốc về lâm sàng:
Những bảng phân loại hiện nay kể từ năm 1987 đã xuất hiện, cách phân loại những rối loạn liên quan đến các chất gây nghiện cũng giống như cách phân loại đối với các rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc hay bệnh tâm thần phân liệt. Hội đồng khoa học quốc tế đã xác định 3 loại hành vi sử dụng các chất gây nghiện đó là:
– Sử dụng chất thông thường.
– Lạm dụng chất.
– Lệ thuộc chất.

1. Sử dụng chất thông thường:
Việc sử dụng chất nhưng không gây ra bất kỳ một biến chứng nào đối với sức khỏe, không gây ra bất kỳ một rối loạn hành vi nào ảnh hưởng đến người khác. Sử dụng thông hường không gây ra bất kỳ một tổn hại nào và không được xem như là bệnh lý, nó hoàn toàn mang tính chất cơ hội, ngẫu hứng ở trong một vài hoàn cảnh đặc biệt nào đó như lễ hội, sinh nhật…Chất sử dụng trong trường hợp này không hề có một sự lôi cuốn, quyến rũ nào đối với người sử dụng.

Cần lưu ý rằng cách sử dụng này cũng thường là giai đoạn khởi đầu ở những người sử dụng thường xuyên với cơ chế phủ nhận vấn đề họ luôn đáng giá sai mức độ theo xu hướng bình thường hóa vấn đề đối với sự ngộ độc chất, các hậu quả tâm lý, cơ thể và xã hội. Một vài cách sử dụng thông thường này bao hàm những nguy cơ. Trong một số hoàn cảnh, một sự tiêu thụ chất có vẻ được xã hội chấp nhận, ngoài những tiêu chuẩn của lạm dụng, lệ thuộc chất nhưng sẽ dẫn đến những tổn hại, đó chính là loại sử dụng nguy cơ. Nguy cơ này có thể lien quan đến hoàn cảnh, cách thức và số lượng sử dụng chất.

2. Lạm dụng hay sử dụng có hại:
Lạm dụng chất ở DSM-IV-TR hay sử dụng chất có hại ở ICD-10 đặc trưng bởi sự tiêu thụ lặp đi lặp lại chất gây ra những tổn thương thực thể, tâm lý, xã hội đối với chính người sử dụng hoặc đối với xung quanh mặc dù vẫn chưa đến mức độ lệ thuộc.
Đặc tính bệnh lý của sự lạm dụng chất là cùng lúc xác định bởi sự sử dụng lặp đi lặp lại và những rắc rối, tổn hại do sự lạm dụng này gây ra. Cũng như sử dụng thông thường điều này không căn cứ vào việc sử dụng các chất hợp pháp hay bất hợp pháp. Trong định nghĩa này cần nhấn mạnh những tổn hại không chỉ trên lĩnh vực sức khỏe mà còn liên quan đến sự thoải mái về tinh thần, trong các mối quan hệ, trong nghề nghiệp, vấn đề tài chính, sự tuân thủ các quy định chuẩn mực xã hội…

3. Sự lệ thuộc:
Theo truyền thống các thầy thuốc định nghĩa sự lệ thuộc là một biểu hiện mất hoàn toàn sự kiểm soát. Không thể kiêng nhịn được việc sử dụng chất. Trong DSM-IV-TR quy định rối loạn này được đặt ra nếu có ít nhất 3 tiêu chuẩn trong 7 tiêu chuẩn sau đây:
a. Nhu cầu tăng liều để đạt được tác dụng mong muốn hay tác dụng của chất sử dụng giảm rõ rệt theo thời gian sử dụng.
b. Hội chứng cai xuất hiện khi ngưng sử dụng chất, sử dụng chất để tránh hội chứng cai.
c. Sử dụng số lượng nhiều hơn và tiêu phí thời gian cũng nhiều hơn dự tính
d. Luôn muốn sử dụng hoặc có những cố gắng để kiểm soát sự sử dụng nhưng đều thất bại.
e. Dành phần lớn thời gian tâm trí để có được chất sử dụng.
f. Mất hoặc giảm những hoạt động xã hội.
g. Tiếp tục sử dụng chất mặc dù có những vấn đề về sức khỏe hoặc tâm lý do chất sử dụng gây ra.

Sự lệ thuộc chất có thể có sự lệ thuộc về thể chất hay không, theo sự hiện hữu của hai tiêu chuẩn đầu tiên là sự dung nạp và hội chứng cai khi ngưng sử dụng, những tiêu chuẩn khác liên quan đến hành vi xã hội, ở đó không cần sự đối lập giữa sự lệ thuộc tâm lý và sự lệ thuộc thể chất, nhưng trong chẩn đoán tâm thần có ghi rõ có hay không sự lệ thuộc thể chất. Định nghĩa mới này lại làm mới lại quan niệm sự lệ thuộc nhấn mạnh vào sự mất kiểm soát đối với việc sử dụng chất. Về phương diện lâm sàng, sự lệ thuộc chất là một tâm bệnh tiến triển bắt đầu từ giai đoạn vị thành niên hay ở những thanh niên trẻ, nó phát triển, xâm lấn từ từ toàn bộ đời sống tinh thần của người sử dụng. Rối loạn này về lâu dài biểu hiện bẳng một sự ham muốn mãnh liệt có được chất nghiện, một sự hai chiều đối với sự cai nghiện, người lệ thuộc chất tự than hầu như không hề có động lực đối với việc chữa trị.

Những yêu cầu chăm sóc đầu tiên luôn chậm trễ và thường là khi đã xuất hiện những biến chứng hay sự mất bù trừ. Tiến triển luôn bao phủ bởi những lần tái phát.

Hoàn toàn không có sự tương hợp giữa sự chẩn đoán lệ thuộc chất với mức độ sử dụng. Dịch tễ về sự sử dụng chất xác định những mức độ sử dụng như sau:
– Sử dụng thử
– Mỗi năm 1 lần
– Sử dụng lặp đi lặp lại
– Sử dụng thường xuyên
– Sử dụng hằng ngày

Những sự đánh giá về số lượng này không cho phép đưa ra một chẩn đoán lâm sàng. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số về lượng đối với sự lệ thuộc chất là một chỉ số cùng lúc ít nhạy và ít đặc hiệu.

IV. Những yếu tố dễ tổn thương, những bệnh tâm thần kết hợp và dự phòng:
Những bảng phân loại hiện nay với cách chẩn đoán các rối loạn liên quan đến các chất được xem như những rối loạn độc lập. Sự thay đổi từ cách thức sử dụng này đến cách thức sử dụng khác dẫn đến việc xem xét một số nhân tố dể bị tổn thương sau:

Yếu tố sinh học: đó chính là khả năng của các chất tác động lên hệ thống hoạt động tâm thần hay còn gọi là hệ thống bù trừ, cường độ tác động, cách thức hấp thụ, thời gian tác dụng của chất sử dụng, một sự dễ tổn thương bẩm sinh liên quan với những gen mã hóa những thụ thể dopamine hay các dẫn truyền thần kinh khác chẳng hạn.
– Yếu tố tâm lý: Tất cả những rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới, chống đối xã hội và lo âu và tất cả những bệnh lý tâm thần tiến triển, khí sắc, loạn thần đều có thể dẫn đến rối loạn lệ thuộc chất.
– Yếu tố xã hội: Sự dễ dàng tiếp xúc với các chất cũng như hình ảnh về các chất trong các gia đình.
– Trẻ vị thành niên và việc sử dụng sớm.
– Sự uyển chuyển, linh hoạt trong tình cảm và quan hệ, hình ảnh những người lớn mẫu mực là những yếu tố bảo vệ tích cực đối với sự lệ thuộc chất.

Những rối loạn này là những bệnh lý, giống như những rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc hay tâm thần phân liệt. Cách tiếp cận này cho phép làm sáng tỏ những khái niệm bệnh kết hợp khi phân biệt những rối loạn sau:
– Những rối loạn gây ra bởi những chất ngay lập tức hoặc sau khi sử dụng. Ví dụ trầm cảm do sử dụng rượu.
– Những bệnh kết hợp nhưng không có những liên hệ nhân quả nhưng lại có khả năng trùng hợp rất cao ví dụ như cannabis và rối loạn phân liệt.

Những bệnh lý kết hợp chính là những yếu tố dễ tổn thương, yếu tố củng cố hay làm tăng sự lệ thuộc chất. Những bệnh tâm thần kết hợp thường là tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực đặt ra vấn đề cho hệ thống chăm sóc phải thật phù hợp, chuyên khoa hóa về nghiện, chuyên khoa hóa về tâm thần và mối liên quan giữa hai chuyên khoa này. Chăm sóc điều trị nội trú về tâm thần song song với điều trị chăm sóc ngoại trú về nghiện ngập, làm việc trong hệ thống. Những khuyến cáo cần điều trị chăm sóc song song, kết hợp với nhau trong cùng một hệ thống với những liên hệ thật gắn bó.

Phòng ngừa nghiện ngập kết hợp với lâm sang và bệnh nguyên bệnh sinh khi phân biệt dựa trên những cơ sở sau:
– Dự phòng cấp một hay chăm sóc điều trị đối với những yếu tố dễ tổn thương, đặc biệt đối với trẻ em và trẻ vị thành niên có vấn đề.
– Dự phòng cấp hai với sự xác định và chăm sóc đối với những cá nhân và gia đình trong hoàn cảnh mà động lực tham gia vào các chăm sóc rất hạn chế.
– Dự phòng cấp ba hay phòng ngừa những biến chứng mà trong chuyên ngành nghiện gọi là chính sách giảm những nguy cơ.

V. Những tiếp cận trị liệu trong nghiện ngập:
Điều trị nghiện là một công việc lâu dài, mục đích nhằm chấm dứt hành vi nghiện ngập, ngưng sử dụng chất, duy trì bằng sự phòng ngừa tái sử dụng về lâu dài. Giai đoạn cắt cơn chỉ là một khâu trong cả quá trình cai nghiện . Mục đích chính là duy trì quá trình theo dõi chăm sóc. Sự theo dõi chủ yếu là thăm khám ngoại trú. Giải pháp cổ điển bắt đầu bằng một sự nhập viện điều trị. Sau đó là quá trình theo dõi sau khi ra viện đã lỗi thời. Một sự theo dõi bằng những lần khám cho phép một sự giảm quá trình sử dụng chất sau đó là ngưng hoàn toàn. Nhập viện là những trường hợp hiếm, mục đích là những đợt cắt cơn có chuẩn bị hoặc là những đợt điều trị những biến chứng thường là cấp cứu với rất nhiều lần tái sử dụng khi xuất viện.

Chăm sóc điều trị tổng thể kết hợp những tiếp cận về thuốc men, tâm lý, thể chất và xã hội. Đó chính là việc dìu dắt người bệnh vào một quá trình thay đổi làm biến đổi sâu sắc trong nhiều mặt hoạt động của cuộc sống thường ngày và nhân cách người nghiện. Quá trình này bắt đầu bằng một lượng giá để thích ứng tốt nhất với những chiến lược trị liệu. Có nhiều phương thức trị liệu cùng chia sẻ một mục đích giống nhau. Những khác biệt cùa những phương thức này chủ yếu liên quan đến yếu tố văn hóa xã hội và chất sử dụng, thường những phương thức trị liệu này thuộc quyền lựa chọn của những người nghiện.
Chương trình này là một quá trình trị liệu đa lĩnh vực nó bao gồm một loạt phong phú đa dạng những chăm sóc phù hợp với tình trạng lâm sàng, chúng được phối hợp một cách nhịp nhàng với nhau.

1. Điều trị bằng thuốc:
Gồm hai chiến lược đó là:
– Cắt cơn và điều trị duy trì sau cắt cơn.
– Điều trị thay thế.

Điều trị cắt cơn và sau cắt cơn:
Nguyên tắc là ngưng hoàn toàn sử dụng chất và các biện pháp duy trì sau khi cắt cơn. Điều trị cắt cơn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp thuốc giải lo âu và thuốc giảm đau. Thuốc nhóm Benzodiazepine đặt ra vần đề là có những nguy cơ lệ thuộc thứ phát nên cần phải kiểm soát chặt chẽ khi kê toa.

Trong khuôn khổ cắt cơn nghiện chất á phiện trong bệnh viện clonidine hay guanfacine được khuyến cáo với sự kiểm soát huyết áp chặt chẽ. Sự nhập viện là cần thiết với những nguyên tắc ít thay đổi như cần một môi trường đóng, hạn chế những sự viếng thăm, những tiếp xúc hay cho phép ra ngoài. Tình trạng này sẽ dần dần được nới lỏng phụ thuộc vào tiến triển của người bệnh giai đoạn cấp tính nhất của lúc cắt cơn có thể cần thiết một sự tăng liều các thuốc hướng thần. Mục đích chính của nhập viện là cắt cơn và duy trì trong quá trình trị liệu này.

Sự cai thuốc không thể thực hiện được nếu không có những biện pháp phòng ngừa tái sử dụng lại. Phòng ngừa bằng biện pháp tâm lý và biện pháp hóa dược. Thời gian cùa điều trị sau cắt cơn từ 6 tháng đến 1 năm so với sự hồi phục sớm của DSM-IV. Đối với rượu, những thuốc được phép kê toa là acamposite, naltrexone và disulfiram sử dụng một cách thận trọng. Những thuốc này có thể phối hợp với nhau. Đối với thuốc lá bupropion cho thấy có kết quả. Đối với chất á phiện naltrexone là một thuốc kháng morphine tác dụng kéo dài là một lựa chọn điều trị, nó bít các thụ thể á phiện và không đưa đến sự lệ thuộc. Đối với cocaine phòng ngừa tái phát rất khó khăn những thuốc điều trị khí sắc và ức chế sự tái thu nhận seretonine rất ít tác dụng.

Những thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai làm giảm sự đói thuốc nhất là đối với những bệnh nhân có chẩn đoán kép. Topiramate có vẻ như có tác dụng và một vaccine cũng đang được nghiên cứu.

Điều trị thay thế:
Điều trị thay thế được dành cho những trường hợp nghiện á phiện và thuốc lá. Nguyên tắc là đề xuất một điều trị thay thế chất đang sử dụng bằng một chất cùng loại với nó. Mục đích của điều trị thay thế không giống nhau giữa á phiện và thuốc lá. Thay thế nicotine là một quá trình giải độc kéo dài nhiều tháng đến một năm. Thay thế á phiện nhằm duy trì người bệnh trong khuôn khổ trị liệu để chăm sóc những rối loạn về nhân cách của người lệ thuộc chất á phiện.

Những thuốc thay thế đặc trưng bởi thời gian tác dụng kéo dài vì thế tránh được tình trạng khoan khoái liên quan đến các chất và sự kéo dài khi ngưng sử dụng.

Những thuốc sử dụng là những chất đồng vận hoàn toàn như methadone hay nicotine hoặc đồng vận một phần như buprenorphine và varenicline (Champrix ®) với tác dụng tối đa và ít lệ thuộc, nhưng với cách sử dụng phức tạp hơn.

Bệnh nhân được điều trị thay thế, có những biểu hiện như khi cai. Biểu hiện thất vọng vì không có những tác dụng khoan khoái cũng như thiếu động lực cai nghiện, những điều này dẫn đến sự sử dụng không đúng theo chỉ định như:
– Dùng liều quá cao.
– Dùng nhiều lần trong ngày.
– Dùng đường tiêm buprenorphine.
Việc tôn trọng liều dung và cách dùng là rất quan trọng.

Điều trị thuốc đối với những bệnh nhân tâm thần kết hợp.
Những chẩn đoán về tâm thần rất khó vì người bệnh không ổn định về mặt cảm xúc và tránh né sự chăm sóc điều trị. Những sự gián đoạn trong điều trị và tái phát thường xảy ra và tiên lượng kém. Nếu được điều trị các bệnh tâm thần kết hợp sẽ giảm những yếu tố củng cố sự lệ thuộc.

Đối với những rối loạn phân liệt những thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai dung nạp tốt nhất và được chấp nhận. Những trường hợp ở thể vô tổ chức thì cần dùng dạng phóng thích chậm để tạo điều kiện tuân thủ dễ hơn cho người bệnh.

Những trường hợp rối loạn khí sắc cũng thường gặp tùy theo nguyên nhân mà có những điều trị khác nhau:
– Nếu rối loạn khí sắc do chất gây ra thì nên cai nghiện hoặc dùng biện pháp thay thế.
– Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm đối với những trường hợp rối loạn khí sắc do cai nghiện.
– Thuốc giải lo âu không thuộc nhóm banzodiazepine hoặc chống loạn thần thế hệ thứ hai đối với những trường hợp phản ứng lo âu và trầm cảm.
– Thuốc chống trầm cảm đối với những trạng thái trầm cảm đơn độc hoặc tái phát.

2. Tâm lý trị liệu:
Phương pháp nhận thức hành vi và củng cố động cơ.
Mục đích của biện pháp này là giúp người bệnh nhận thức được tính chất bệnh lý hay sự rối loạn của những quá trình nhận thức đã đưa họ đến việc sử dụng các chất gây nghiện. Nhà trị liệu giúp người bệnh xác định điều này và sau đó thay đổi về cả quá trình nhận thức – cảm xúc – hành vi để nhằm mục đích đưa ra những đáp ứng phù hợp với những hoàn cảnh nguy cơ cao. Giai đoạn đầu tiên là xác định những hoàn cảnh hay những nhận thức nào đã đưa người bệnh đến việc sử dụng chất gây nghiện, kế tiếp là giúp người bệnh tùy từng trường hợp cụ thể phát triển những chiến lược, phương cách né tránh hay những phương cách để đối phó với những hoàn cảnh này.

Những buổi nói chuyện có động cơ hay có mục đích là một phương thức tác động, can thiệp ngắn được xác định là một phương pháp tập trung vào bệnh nhân nhằm mục đích tăng cường động cơ muốn thay đổi của chính bệnh nhân bằng cách tìm hiểu nghiên cứu kỹ và giải quyết sự do dự không dứt khoát của người bệnh. Động cơ cai nghiện phải xuất phát từ người bệnh. Quan hệ điều trị giữa người bệnh và nhà trị liệu được xem như mối quan hệ là đối tác của nhau chứ không xem như mối quan hệ giữa một chuyên gia và người bệnh. Nguyên tắc tác động can thiệp của nhà trị liệu là cần phải thấu hiểu chia sẻ với người bệnh, nâng đỡ người bệnh kịp thời động viên củng cố những biểu hiện tích cực của người bệnh.

Nói chuyện có mục đích dựa trên một quá trình nhận thức dẫn đến thay đổi về hành vi của người bệnh. Quá trình này tiến triển tuần tự dựa trên một trình tự các giai đoạn mà bất kỳ người nghiện nào cũng trải qua trong quá trình cai nghiện. Mục tiêu của nhà trị liệu ở mỗi giai đoạn khác nhau, phù hợp với tình trạng nhận thức và động cơ của người bệnh. Tính thực dụng và hiệu quả của phương pháp này đã được áp dụng phổ biến trong chuyên ngành nghiện.

Các giai đoạn trong quá trình thay đổi động cơ và mục tiêu của nhà trị liệu ở mỗi giai đoạn.

– Giai đoạn từ chối thay đổi hành vi: Ở giai đoạn này người bệnh không có ý định thay đổi vì nhận thức sai lầm, phủ nhận tác hại của việc lệ thuộc và dùng chất do không có thông tin hoặc thông tin không chính xác. Mục tiêu của nhà trị liệu ở giai đoạn này là làm cho người bệnh vượt qua được sự nghi ngờ bằng cách cho bệnh nhân hiểu ra những vấn đề mà người bệnh có nguy cơ chuốc lấy liên quan đến hành vi sử dụng chất.
– Giai đoạn xuất hiện ý định thay đổi hành vi: Mục đích của nhà trị liệu giai đoạn này là bàn bạc phân tích những điều thuận lợi và những điều bất lợi liên quan đến việc thay đổi hành vi sử dụng chất hay không thay đổi hành vi này.
– Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn chuẩn bị thay đổi hành vi sử dụng thuốc: Trong giai đoạn này người bệnh quyết định thay đổi hành vi. Mục tiêu của nhà trị liệu giai đoạn này là giúp người bệnh xác định biện pháp cần thiết để thay đổi hành vi sử dụng chất của họ.
– Giai đoạn hành động là giai đoạn người bệnh thay đổi hành vi sử dụng chất. Mục tiêu của nhà trị liệu ở giai đoạn này cũng giống như giai đoạn trước là giúp bệnh nhân xác định thực hiện những biện pháp để thay đổi hành vi.
– Giai đoạn duy trì là giai đoạn người bệnh đã từ bỏ hành vi sử dụng chất. Mục tiêu của nhà trị liệu giai đoạn này là giúp người bệnh thực hiện những chiến lược phòng chống việc tái sử dụng chất.
– Giai đoạn tái sử dụng chất là giai đoạn người bệnh lại tái sử dụng sau khi đã từ bỏ một thời gian nhưng thất bại ở giai đoạn duy trì phòng tái phát. Mục tiêu của nhà trị liệu giai đoạn này là động viên khuyến khích người bệnh đã có những biến chuyển thay đổi tích cực ở thời gian qua và giúp bệnh nhân bắt đầu lại những giai đoạn nêu trên.

Phương pháp phỏng theo phân tâm:
Phương pháp này giữ một vị trí quan trọng. Người ta cho rằng bệnh lý lệ thuộc chất thường xảy ra ở những người có nhân cách lệ thuộc tình cảm. Những người bị chối bỏ, những người có các mối quan hệ nghèo nàn, khó khăn trong việc xây dựng một cuộc sống tình cảm ổn định. Khi mà sự lệ thuộc quá nặng nề thì việc thiết lập việc điều trị càng khó khăn nhất là đối với những người nghiện tỏ ra vô tổ chức thì cần phải có một môi trường trị liệu thật linh hoạt để có thể kiểm soát được họ.

Phương pháp hệ thống:
Những tiếp cận hệ thống gia đình rất ích lợi đối với những đối tượng là trẻ vị thành niên khi mà trong hệ thống gia đình có vấn đề. Tiếp cận hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho sự chăm sóc trị liệu cá nhân. Phương thức tiếp cận trị liệu hệ thống đôi khi cũng phải rất linh hoạt để phù hợp với các loại đối tượng ở các mức độ lệ thuộc khác nhau. Những cuộc tiếp xúc với cha mẹ bệnh nhân đôi khi là cách lựa chọn duy nhất có thể.

Những phương pháp tiếp cận theo thiết chế công.
Trong những cơ sở công, phương pháp điều trị này được thực hiện bởi những nhóm bao gồm bác sỹ, điều dưỡng, các nhà tâm lý, bằng những hoạt động hàng ngày. Người bệnh diễn tiến trong một môi trường trị liệu. Mô hình trị liệu công này rất cần thiết đặc biệt là đối với những trường hợp lệ thuộc trầm trọng.

Tiếp cận về phương diện xã hội – giáo dục:
Quá trình cai nghiện bao gồm một sự thay đổi sâu sắc về hành vi, lối sống của người bệnh, xây dựng thiết lập mối quan hệ của chính bản than người bệnh cũng như với những người xung quanh. Liệu pháp xã hội – giáo dục phụ thuộc vào lối trị liệu bằng thuốc và tâm lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tái hòa nhập trong cuộc sống thường ngày, thiết lập lại những liên hệ cá nhân – xã hội, mục đích làm cho người bệnh độc lập hơn và chịu trách nhiệm về những quyết định của bản thân.

Tóm lại:

Bệnh lý nghiện là những rối loạn tâm lý bệnh thực thụ. Quá trình cai nghiện là một quá trình lâu dài và phức tạp, phương thức trị liệu ngày càng phát triển trong đó bao hàm cả phương diện y khoa – Tư pháp. Trong hệ thống y khoa- xã hội, những trung tâm chăm sóc chuyên biệt và những trung tâm nghiện, những trung tâm chăm sóc ngoại trú trở thành những trung tâm chăm sóc chữa trị và giúp đỡ người bệnh, phòng ngừa nghiện ngập. Những cơ sở tương tự nhau bao gồm những bác sĩ, điều dưỡng, những nhà tâm lý, trợ lý xã hội, những nhà giáo dục…,nhưng vai trò của người bác sĩ tâm thần vẫn giữ một vị trí quan trọng vì những hiểu biết về lý thuyết và lâm sàng của họ nhất là đối với những bệnh nhân lệ thuộc nghiêm trọng hoặc có những bệnh lý tâm thần kết hợp. Những bác sĩ tâm thần cần phối hợp với các thành viên trong nhóm trị liệu để đem lại một kết quả mong đợi.

Tác giả: X. Laqueille và K. Liot.
Information psychiatrique volume 85 No7 Septembre 2009.

Lược dịch: BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, Tp. HCM