Theo kết quả của các nguyên cứu mới đây, các bất thường trong các số đo mạch máu võng mạc (SĐMMVM) có thể là dấu chứng gia tăng mảng tinh bột ở não bộ và có thể đóng vai trò chỉ dẫn sinh học trong bệnh Alzheimer tiền lâm sàng.
Các kết quả tìm thấy qua nghiên cứu Flagship về lão hóa, về hình ảnh học, về các chất chỉ dẫn sinh học và lối sống ở Úc đã chỉ ra rằng bệnh nhân Alzheimer có các SĐMMVM khác nhau một cách đáng kể, bao gồm hẹp tĩnh mạch và tỷ lệ động mạch/tĩnh mạch cao hơn một cách đáng kể so với những đối tượng cùng độ tuổi không mắc bệnh Alzheimer.
Trong phân tích bổ sung của các đối tượng không mắc bệnh Alzheimer, hình ảnh Pittsburgh compound B positron emission tomography (PiB-PET) cho thấy bệnh nhân có nhiều mảng tinh bột ở vỏ não mới cũng đồng thời có một vài trong số các thay đổi SĐMMVM, và đây là dấu hiệu của tình trạng có thể mắc bệnh Alzheimer tiền lâm sàng.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là Ts Shaun Frost, Tổ chức Nghiên Cứu Công nghiệp và Khoa Học Commonwealth ở Perth, Úc cho biết “đây là nghiên cứu đầu tiên khảo sát những thay đổi mạch máu võng mạc đi kèm với mảng bám tinh bột ở não bộ”. “Các mẫu nghiên cứu kết hợp đo SĐMMVM cũng giúp phân biệt các bệnh nhân đã được chẩn đoán Alzheimer và các đối tượng nhóm chứng khỏe mạnh.”
Vì PET và MRI có thể quá đắt tiền và chưa được trang bị rộng rãi, nên các test về mắt có thể là một sự lựa chọn đơn giản và không xâm lấn – mặc dù đây không phải phương pháp mà dựa vào một mình nó ta có thể chẩn đoán được bệnh (Alzheimer). Các tác giả cho biết thêm: “Phân tích hình ảnh võng mạc có tiềm năng trở thành một phương thức hỗ trợ trong việc phát hiện sớm bệnh Alzheimer hoặc trong việc theo dõi sự tiến triển và đáp ứng điều trị bệnh Alzheimer.”
Chẩn đoán khó khăn
Điểm chính yếu trong sinh lý bệnh thần kinh của bệnh Alzheimer là sự xuất hiện các mảng tinh bột ở não bộ.
Dù khám nghiệm não bộ tử thi cần thiết để xác định chẩn đoán Alzheimer, nhưng một chẩn đoán “có thể mắc bệnh Alzheimer” có thể được thiết lập ở bệnh nhân đủ tiểu chuẩn của Viện Quốc gia về các rối loạn thần kinh và giao tiếp và Hiệp hội đột quỵ/ bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan. Tuy vậy, chẩn đoán xác định Alzheimer chỉ có thể được đưa ra sau khi các tổn thương thần kinh đã xuất hiện. Vì vậy, có một nhu cầu rất lớn là tìm cách phát hiện bệnh trước khi những tổn thương không thể hồi phục xảy ra.
Võng mạc là “một phần phát triển từ não bộ”, các nhà nghiên cứu cố gắng đánh giá xem liệu các thay đổi mạch máu võng mạc có thể được sử dụng như là một phương pháp tầm soát tiềm năng cho bệnh Alzheimer hay không. Các tác giả đã thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ 25 đối tượng có khả năng mắc bệnh Alzheimer (52% nữ; tuổi trung bình, 72.4) và 123 đối tượng khỏe mạnh (55% nữ; tuổi trung bình, 71.6).
Các tác giả tiến hành chụp hình ảnh màu võng mạc kỹ thuật số và một phần mềm bán tự động được sử dụng để đánh giá 19 SĐMMVM, gồm các biến số độ rộng và phân nhánh của mạch máu võng mạc. Các SĐMMVM của mỗi đối tượng được tính toán dựa trên cơ bản của độ dày tương ứng động mạch và tĩnh mạch võng mạc trung tâm. Tương quan giữa các SĐMMVM và mảng tinh bột ở vỏ não mới được phân tích và theo dõi bằng PiB-PET, thực hiện ở 45 đối tượng cùng nhóm tuổi khỏe mạnh.
Các bất thường có ý nghĩa
Kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa các nhóm về 13 SĐMMVM được đo lường, gồm giảm chu vi động mạch và tĩnh mạch võng mạc trung tâm (P = 0.1 và P< .001, tương ứng), giảm hình ảnh kích thước của mạng tiểu tĩnh mạch và tiểu động mạch (P = .008 và P < .001, tương ứng), giảm độ cong xoắn tiểu tĩnh mạch (P = .02), và giảm số lượng phân nhánh đầu tiên các tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch ( P = .007 và .006), ở những đối tượng có thể mắc Alzheimer và những đối tượng không.
Ở các đối tượng có thể mắc Alzheimer gia tăng đáng kể độ lệch chuẩn tiểu động mạch và tĩnh mạch vùng B ( P = .001 và P =.002), tăng hệ số phân nhánh (P = .02), yếu tố bất đối xứng phân nhánh tiểu động mạch và tĩnh mạch ( P = .02 và .03), và tăng tỷ lệ đường kính trên độ dài tiểu động mạch ( P = .03).
Trong phân tích hình ảnh học, ở phân nhóm những người khỏe mạnh có kèm theo mảng tinh bột mức độ cao ( thể hiện bằng tỷ lệ giá trị hấp thu đã chuẩn hóa đo lường trên PET-PiB lớn hơn 1.5) có yếu tố bất đối xứng phân nhánh tiểu tĩnh mạch mức độ cao ( P = .02) so với những đối tượng có mức độ mảng tinh bột thấp.
Hai chỉ số này cũng lớn hơn ở các bệnh nhân Alzheimer so với những người có mức mảng tinh bột cao, “vì vậy, các kết quả này phù hợp với giả thuyết các thay đổi SĐMMVM có thể giúp tiên đoán chẩn đoán bệnh Alzheimer”.
Kết quả cũng cho thấy chất vận chuyển APOE έ4 ở nhóm bệnh nhân Alzheimer nhiều hơn đáng kề so với nhóm không bệnh (P = .02) và ở những đối tượng có mức độ cao mảng tinh bột so với người có mức độ thấp ( P = .04).
Một dấu chỉ dẫn sinh học có tốt hơn?
Ts.Gilbert Feke cho rằng đây là một nghiên cứu tốt, nhưng mong muốn các tác giả nghiên cứu một phân nhóm bệnh nhân khác” Gilbert T. Feke là Trưởng nhóm nghiên cứu Khoa Mắt tại Massachusetts, Bv Mắt và Tai tại Boston cho biết thêm “các tác giả đã nghiên cứu các đối tượng thuộc nhóm chứng và nhóm bệnh nhân Alzheimer, nhưng chưa nghiên cứu so sánh nhóm trung gian.” Kết quả nghiên cứu này tương tự một nghiên cứu trình bày bằng poster tại cuộc họp hằng năm năm 2011 của Hiệp hội Nghiên cứu Thị Lực và Mắt (Association for Research in Vision and Ophthalmology) (ARVO).
Nhóm nghiên cứu của Ts Feke đã khảo sát 7 đối tượng cao tuổi có khả năng bị bệnh Alzheimer, 10 đối tượng với sự suy giảm nhận thức nhẹ, và 17 đối tượng nhận thức bình thường. Kết quả nhóm mắc bệnh Alzheimer có tĩnh mạch võng mạc hẹp hơn đáng kể so với hai nhóm còn lại, cũng như giảm lưu lượng máu võng mạc. Nhóm bệnh nhân suy giam nhận thức giảm nhẹ có lưu lượng và tốc độ máu thấp hơn đáng kể so với nhóm có nhận thức bình thường.
Các nhà nghiên cứu nhận định “ở thời điểm hiện tại gợi ý rằng những bất thường về huyết động học có thể tiên đoán việc mất tế bào thần kinh tại võng mạc ở những người suy giảm nhận thức”.
“Chúng tôi đã tìm ra rằng hiện tượng giảm đường kính mạch máu không xảy ra cho đến khi thực sự mắc bệnh Alzheimer. Những người có suy giảm nhận thức nhẹ không có biểu hiện này. Thay vào đó, họ biểu hiện sự suy giảm trong tốc độ và lưu lượng máu. Vì vậy điều đó khiến cho việc dựa vào việc đo lường đường kính mạch máu như một dấu chỉ dẫn sinh học duy nhất gặp ít trở ngại”, Ts Feke nói thêm.
Ông cũng ghi nhận rằng nghiên cứu của ông và các nghiên cứu gần đây đo đường kính những mạch máu võng mạc hơi lớn. trong khi đó tiến trình bệnh Alzheimer “bắt đầu ở những mạch máu nhỏ nhất”, khi tình trạng bất thường diễn ra ở các mạch máu đó, “tốc độ máu sẽ giảm xuống.”
“Không có nhiều người theo đuổi ý tưởng khám võng mạc theo cách này. Nhưng đây là một ý tưởng tuyệt vời bởi vì võng mạc là một phần của não bộ”.
Transl Psychiatry, xuất bản online 26/02/ 2013. Full article
Lược dịch: Bs. Hoàng Thùy Nhi- Khoa Tâm lý – Tâm thần Trẻ em.
Tài liệu : Eye tests may predict Alzheimer’s risk. Deborah Brauser, 01/03 2013