TÓM TẮT :
Trong việc sử dụng thuốc điều trị bệnh, những phản ứng phụ có hại của thuốc (ADRs = Adverse Drug Reactions) là một trong những vấn đề thường gặp trên lâm sàng. Ngày nay mặc dù những thử nghiệm lâm sàng của thuốc trước khi đưa ra thị trường được thực hiện khá chặt chẽ nhưng ADRs vẫn được ghi nhận thêm khá nhiều, thông qua các hoạt động của các trung tâm cảnh giác thuốc và theo dõi ADR. ADRs có thể thể hiện trên nhiều chức năng và cơ quan của người bệnh, trong đó những ảnh hưởng về tâm thần là đáng chú ý trong thực hành lâm sàng của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần. Việc tổng hợp và cập nhật thông tin ADRs về tâm thần sẽ góp phần hỗ trợ trong công tác điều trị.
ĐẶT VẤN ĐỀ :
Tác dụng phụ có hại của thuốc là một trong những nguyên nhân đáng kể gây bệnh tật và tử vong cho người bệnh. Mặc dù có sư khác nhau nhiều trong các báo cáo chăm sóc sức khoẻ hiện hành, nhưng người ta cũng ước đoán là có 1/3-1/2 ADRs có thể ngăn ngưà được. Thiệt hại về mặt tài chính do những tác dụng phụ của thuốc gây ra cho sức khỏe của con người lên đến hàng tỉ USD hằng năm, nhưng sự chịu đựng những tác dụng phụ của thuốc ở bệnh nhân thì không thể tính ra thành tiền được.
Ở các nước phát triển vấn đề theo dõi ADRs, cảnh giác thuốc (Pharmacovigilance), quản lý sử dụng thuốc rất được chú trọng và thực hiện rất tốt, nhưng ở những nước nghèo và đang phát triển thì còn rất hạn chế. Do đó Chương trình giám sát thuốc (Drug Surveillance Progams) đã được đưa vào chương trình hành động của Tổ chức Y Tế Thế Giới để thực hiện rộng rãi trên khắp thế giới, nhằm làm cho việc sử dụng thuốc ngày càng an toàn, hiệu quả, hợp lý.
Trong số các phản ứng phụ có hại do thuốc thì những biểu hiện rối loạn tâm thần cũng khá phổ biến. Những biểu hiện RLTT khi sử dụng thuốc trên người bệnh xảy ra đối với rất nhiều loại thuốc khác nhau chứ không chỉ những thuốc hướng tâm thần (Psychotropic drugs). Với mục đích thông tin về thuốc, chúng tôi thực hiện báo cáo này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho công tác điều trị.
TỔNG QUAN Y VĂN :
Định nghĩa:
-Theo tổ chức Y Tế Thế Giới: “Phản ứng có hại của thuốc(Adverse Drug Reaction- ADR) là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc làm thay đổi một chức năng sinh lý”. Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp dùng sai thuốc, dùng không đúng liều chỉ định.
-Theo FDA của Mỹ định nghĩa : Bằng chứng có hại của thuốc (Adverse Drug Event) là“ bất kỳ sự kiện có hại nào liên quan với việc dùng thuốc trên nguời, có hoặc không có được công nhận liên quan đến thuốc, bao gồm như sau :một sự kiện có hại xảy ra trong liệu trình dùng thuốc trong thực hành chuyên môn; một sự kiện có hại xảy ra do ngẫu nhiên hay cố ý; một sự kiện có hại xảy ra do lạm dụng thuốc hoặc do cai thuốc hoặc bất kỳ thất bại đáng kể nào về tác dụng dược lý mong đợi” .
Phân loại :
Có ba cách phân loại các phản ứng có hại của thuốc :
Theo tính chất của phản ứng có hại :
– Loại A(Augmented – Gia tăng) : thuờng liên quan đến tác dụng dược lý của thuốc.
– Loại B( Bizarre – Dị thường) : Liên quan đến hiện tượng dị ứng, tăng nhạy cảm, hoặc những bất thường về gen ở người bệnh.
– Loại C (Continuous – Kéo dài) : liên quan đến liều và thời gian dùng thuốc.
– Lọai D (Delay – Muộn) :thường do các thuốc gây độc cho gen, các hormon, ức chế miễn dịch,… gây ung thư, dị dạng thai nhi,…
– Loại E (Ending of use hay Withdrawal syndromes – Cai thuốc hay ngưng thuốc đột ngột) : các thuốc hướng tâm thần, corticoide, rượu,…
– Loại F (Failure of efficacy –Mất hiệu lực, lờn thuốc) : Do hiệu lực của thuốc, chất lượng thuốc, sự dung nạp, thuốc giả,…
Theo mức độ của phản ứng có hại :
– Loại A : Là những phản ứng qúa mức so với tính chất dược lý của thuốc, dẫn đến những tá c dụng phụ là chủ yếu (giống như sự dùng qúa liều thuốc)
Loại phản ứng có hại này thường phụ thuộc vào liều thuốc, có thể dự đóan được, nhung cũng có thể do những tình trạng bệnh khác của người bệnh (suy thận, gan,…), hoặc do tương tác thuốc-thuốc, thuốc –thực phẩm.
Cách giảm thiểu những phản ứng có hại này là phải hiểu rõ tính chất dược lý của thuốc, kiểm soát những thuốc có khoảng trị liệu hẹp (narrow therapeutic window) và tránh dùng nhiều thuốc (polypharmacy) nếu được.
– Loại B : Bao gồm những phãn ứng đặc ứng(idiosyncratic), miễn dịch, dị ứng, gây ung thư hoặc dị dạng.
Loại phản ứng có hại này thường không do tính chất dược lý của thuốc mà là do tính nhạy cảm của người bệnh. Người ta không dự doán được, không phụ thuộc liều lượng thuốc và có vẻ như thường tập trung ở một số cơ quan như gan, máu, da, thận, thần kinh và những hệ thống cơ thể khác.
Loại phản ứng có hại này tuy không thường xuất hiện nhưng thường rất trầm trọng và có thể gây tử vong.
Ngoại trừ những phản ứng quá nhạy cảm xảy ra tức thời, thường thì cần khoảng năm ngày để xác định một sự nhạy cảm với thuốc. Không có khoảng thời gian tối đa nào cho ADRs loại này xảy ra, nhưng đa số thường xảy ra trong vòng 12 tuần của trị liệu.
Theo biểu hiện lâm sàng của phản ứng có hại :
-Trên da, niêm mạc :loét niêm mạc, nổi mề đay, phát ban, hội chứng Steven-Johnson,…
-Trên hệ tim mạch : loạn nhịp, Hạ huyết áp, Tăng huyết áp, suy tim,…
-Trên hệ tiêu hóa : viêm loét dạ dày, loét đại tràng, rối loạn tiêu hóa,…
-Trên hệ thần kinh trung ương và ngoại vi : co giật, rối loạn tri giác, rối loạn tâm thần, biểu hiện bệnh lý thần kinh ngoại biên,…
-Trên chức năng đông máu.
-Trên hệ tạo máu.
-Trên hệ thống cơ xương.
-Trên hệ thống nội tiết.
-Các biểu hiện toàn thân.
-Các biểu hiện trên các cơ quan khác.
CÁCH XỬ TRÍ ĐỐI VỚI CÁC PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA THUỐC :
Nguyên tắc chung (tùy mức độ của phản ứng) :
-Ngưng thuốc và dùng chất đối kháng (nếu có).
-Ngưng thuốc.
-Giảm liều thuốc.
-Dùng thêm thuốc khác hoặc các biện pháp cần thiết để hạn chế tác dụng có hại.
-Áp dụng các biện pháp cấp cứu chung về hô hấp, tuần hoàn, cân bằng nước và điện giải, tăng lọc qua thận,…
Các thuốc gây tác dụng phụ về tâm thần :
Trong số các tác dụng phụ được liệt kê dưới đây một số từ được qui ước hiểu như sau:
-Thường gặp: tần suất >1%.
-Ít gặp: 0,1%<tần suất<1%.
-Hiếm gặp: tần suất < 0,1%.
Nhóm thuốc | Triệu chứng phụ tâm thần |
TIM MẠCH | |
Beta-blockants | Tác dụng phụ của nhóm nay thường liên quan với tác dụng dược lý và liều dùng |
Atenolol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ(<0,1%). |
Bisoprolol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ(<0,1%).. |
Metoprolol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ(<0,1%).. |
Propranolol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ, loạn thần, ảo giác |
Carvedilol | Trầm cảm, rối loạn giấc ngủ (<0,1%) |
Sotalol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ(>1%). |
Timolol | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ, ác mộng, mất định hướng (ít gặp) |
Ưc chế men chuyển angiotensin I –> II | |
Captopril | Trầm cảm, mất ngủ, bứt rứt (<0,1%) |
Ưc chế thụ thể Angiotensin II | |
Losartan | Mất ngủ(>1%); lo âu, lú lẫn,trầm cảm, rối loạn giấc ngủ (ít gặp) |
Hạ cholesterol huyết | |
Atorvastatin | Mất ngủ (>/= 2%); mơ bất bình thường, trầm cảm (<2%) |
Lợi tiểu | |
Hydrochorothiazide | Trầm cảm, mất ngủ (hiếm gặp). |
Amiloride | Lú lẫn, trầm cảm (ít gặp) |
Chẹn Alpha adrenoreceptor | |
Clonidin | Sảng, lú lẫn, trầm cảm, (hiếm gặp) ảo giác |
KHÁNG VIÊM-GIẢM ĐAU | |
Nhóm NSAID | |
Indomethacin | Trầm cảm, lo âu, RL TT bao gồm những giai đoạn loạn thần, lú lẫn(>1%) |
Diclofenac Na+ hoặc K+ | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ (<1%); mơ bất bình thường, ảo giác, phản ứng rối loạn tâm thần paranoide(hiếm) |
Celecoxib | Lú lẫn, ngủ gà, mất ngủ, ảo giác, trầm cảm, bồn chồn/vật vã, ác mộng |
Meloxicam | Mơ không bình thường, lo âu, lú lẫn, trầm cảm, bồn chồn(nervousness) (<2%) |
Piroxicam | Mơ không bình thường, lo âu, lú lẫn, trầm cảm, bôn chồn (1%-10%) |
Mefenamic acid | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ (1%-10%), ảo giác(<1%) |
Naproxene | Trầm cảm, lo âu, mất ngủ (<1%) |
Nhóm corticosteroid | |
Cortison | Trầm cảm, hưng cảm, rối loạn tư duy, rối loạn tâm thần |
Dexamethasone | Trầm cảm, hưng cảm, rối loạn tư duy, rối loạn tâm thần |
THUỐC KHÁNG ACID-CHỐNG LOÉT | |
Kháng histamin H2 | |
Famotidin | Lú lẫn, kích động, loạn thần, trầm cảm, lo âu, ảo giác (ít gặp) |
Cimetidin | Lú lẫn, kích động, loạn thần, trầm cảm, lo âu, ảo giác (>1%) |
Những chất ức chế bơm proton H+ | |
Omeprazol | Những RL tâm thần bao gồm: Trầm cảm, hung hăng, ảo giác, lú lẫn, mất ngủ, bồn chồn, lo âu, ác mộng (<1%); hiếm gặp: kích động |
Lansoprazol | Trầm cảm, ảo giác; kích động(hiếm) |
KHÁNG SINH | |
Nhóm fluoroquinolon | |
Ciprofloxacin | Kích động (ít găp); hoang tưởng, ảo giác, mất ngủ, trầm cảm (hiếm ), rối loạn tâm thần (ngộ độc) |
Ofloxacin | Mất ngủ, ác mộng (>1%); ảo giác, trầm cảm, phản ứng loạn thần (<0,1%) |
Norfloxacin | Hiếm gặp : trầm cảm, lo âu, kích động, sảng khoái, ảo giác. |
Gatifloxacin | Mất ngủ, những rối loạn tâm thần, choáng váng. |
Nhóm Cephalosporin | |
Ceftibuten dihydrat | mất ngủ, kích động, dể bị kíchthích ở trẻ em (Ít gặp), loạn tâm thần |
Nhóm aminopenicilline (Ampicilline, amoxycilline) | Kích động, lo âu, mất ngủ, lú lẫn (hiếm gặp) |
Nhóm macrolide | |
Clarithromycin | Lo âu, mất ngủ, ác mộng, ảo giác, Rl tâm thần (thường thoáng qua, mất đi khi ngừng thuốc) |
Cotrimoxazol | Kích động, lo âu, bồn chồn; trầm cảm(hiếm gặp nhưng nặng) (<0,1%) |
Kháng lao | |
Rifampicin | Loạn tâm thần (hiếm) |
Streptomycin | Trầm cảm, rối loan khí sắc (bổ sung Vit. PP để điều trị) |
INH | Lú lẫn , mất định hướng, ảo thanh, ảo thị (Có thể giảm khi bổ sung Vitamin B6) |
Kháng nấm | |
Ketoconazol | Ý định tự sát, trầm cảm nặng (hiếm) |
Kháng sốt rét | |
Mefloquin | Lo âu, trầm cảm, hoảng loạn(panic attack), ảo giác, LTT paranoid |