Chương trình cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng duy trì uống Methadone thay thế ( Maintenance Methadone Treatment = MMT ) tại Thành phố hồ Chí Minh đã được tiến hành 4 năm.
Hàng ngàn người đã và đang tự nguyện (có xét chọn) tham gia chương trình với kết quả rất khả quan là giảm chi phí tiền bạc của bản thân và gia đình, cải thiện sức khỏe, vừa uống Methadone vừa đi làm hoặc học nghề.
Trong chương trình MMT, bệnh nhân phải trải qua khám sức khỏe tổng quát nhằm tìm các bệnh lý khác nếu có, các buổi khảo sát và tư vấn tâm lý, có người thân hoặc không để có sự đồng thuận và tuân thủ uống Methadone, tham gia sinh hoạt đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình uống Methadone một số bệnh nhân vẫn sử dụng thêm “hàng nghiện”, “ hàng đá” . Đây có thể là kết quả không mong muốn của quá trình điều trị, trong đó có khả năng chuyên môn của các bác sĩ, của các chuyên viên tâm lý, của chính sự tuân thủ của bệnh nhân và sự hiểu biết về điều trị nghiện của thân nhân và của toàn xã hội.
Một người đang trong giai đoạn hồi phục trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện , chắc chắn hiểu và họ luôn sẵn sàng cho quá trình thách thức phòng ngừa tái nghiện sẽ xảy ra thế nào. Dùng “hàng nghiện” là một trong những thói quen đe dọa cuộc sống nghiêm trọng nhất và ra khỏi tình trạng nghiện là công việc khó khăn nhất mà bệnh nhân nghiện chưa từng làm.
Cơn cai “hàng nghiện” hay cơn vã do thiếu ma túy thường kéo dài và rất đau đớn, và điều trị nghiện thay thế (như MMT) cũng chưa phải là giải pháp đầy đủ. Đây là lý do tại sao nhiều người nghiện phải điều trị giải độc chất gây nghiện một vài lần trước khi hiểu đúng vấn đề điều trị nghiện. Sự nghiện ngập song hành với người bệnh và người nghiện dùng “hàng nghiện” vào những lúc cơ thể đau yếu và những lúc “tinh thần bị cám dỗ” là những thách thức thật sự to lớn.
Hiện nay, ngoài Methadone, còn có khá nhiều loại thuốc điều trị nghiện với cơ chế tác dụng trên thần kinh sọ não khác nhau. Chúng có thể giúp bạn không còn cơn thèm muốn ma túy nhưng không kéo dài, đồng thời với khá nhiều tác dụng phụ. Hết triệu chứng của cơn thiếu ma túy, nhưng sau đó bạn không thể tự mình “chiến đấu” với những thách thức khổng lồ “sau cai” vẫn đang tồn tại. Thực tế, bạn không nên mất nhiều tiền với các loại thuốc điều trị mới này nếu không có chương trình điều trị bài bản “xử lý” được tận gốc các nguyên nhân nghiện của bạn.
Trong quá trình điều trị, tái sử dụng và tái nghiện sẽ xảy ra, nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra. Nếu bạn có kế hoạch từng bước tiến hành chống tái nghiện đúng và thái độ tuân thủ đúng, bạn có thể đảm bảo phòng ngừa tái nghiện thành công. Chúng tôi tổng kết và tham khảo một số cách thức hay một số việc làm dưới đây với mong muốn giúp người nghiện và thân nhân hiểu thêm về điều trị nghiện.
1/. Để quá khứ lại phía sau:
Đây là thời gian bạn loại bỏ mối liên hệ với những người nghiện, loại bỏ những nơi chốn hay những gì có liên quan đến quá khứ nghiện của bạn. Trong quá khứ họ là những người không thích bạn, những người từ chối điều trị sự lạm dụng chất gây nghiện hay từ chối điều trị nghiện ma túy ? Nếu như vậy, đây là lúc bạn tách xa họ. Nhưng – nếu họ là những người bạn tốt, hãy cho họ biết bạn sẽ ở bên cạnh họ khi họ bắt đầu ngừng dùng ‘hàng nghiện” và hồi phục.
Tương tự, hãy để ra bên cạnh tất cả những khía cạnh cuộc sống làm bạn nhớ lại quá khứ hoặc đặt bạn vào tình trạng liên quan tới chất gây nghiện. Nếu còn phần nào, hay còn điều gì liên quan như tình trạng nghiện trước kia của bạn thì hãy chấm dứt nó.
Bạn nên nhớ quá khứ sử dụng ma túy có đôi lần giúp bạn bớt đau đớn khoan khoái, thậm chí cực khoái trong vài giây phút như đê mê bay bổng với tiên nữ nơi trần gian, nhưng bây giờ hãy tập trung nhìn lại sức khỏe của bạn hiện tại và tương lai để đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu ngày xưa và nàng tiên trắng ngày nay”.
2/. Hãy tìm gặp những người có ảnh hưởng tích cực đối với bạn:
Loại bỏ mối liên hệ với những người đang nghiện, bạn hãy “cố gắng gầy dựng mối quan hệ mới” với những người có thể có ảnh hưởng tích cực đối với bạn. Nhóm hỗ trợ (trong chương trình) có thể là nơi tốt nhất để tìm ra những người có ảnh hưởng tích cực mà bạn đang cần, nhưng bạn có thể tìm ảnh hưởng tích cực ở khắp mọi nơi. Hãy chú ý tới những người cùng làm việc mà bạn có thể đề nghị sinh hoạt chung với họ. Nếu bạn có thành viên gia đình hoặc có bạn không liên quan đến việc dùng “hàng nghiện” của bạn thì bạn có thể xem họ là những người có ảnh hưởng tích cực đặc biệt. Bạn hãy tự đến với họ và cùng với họ lập kế hoạch, cách thức điều trị và phòng ngừa tái nghiện.
Thực tế nhiều bệnh nhân trong chương trình MMT trước kia đã trải qua cai nghiện bắt buộc, kết quả không sử dụng ma túy một thời gian khá dài “ có thể tin tưởng được “, trên đường ra về với gia đình và người thân, gần đến hẻm nhỏ chích hút ngày xưa đã xao xuyến tâm can, đến rồi thì cầm lòng không đặng, bóng hình bạn nghiện cũ hiện về, nhớ lại “vài câu tâm giao tiêu cực” nên dễ dàng hút chích trở lại dù tự nhủ lòng mình “thử một lần thôi” – cũng đủ tái nghiện . Vậy nên, khi từ cơ sở cai nghiện về cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng kế hoạch cách ly với “hàng nghiện” và cả những người bạn còn mang nguy cơ rủ rê tiêu cực.
3/. Đến sống môi trường mới:
Không phải tất cả mọi người có thể ngồi vực dậy và di chuyển đến môi trường sống mới, nhưng nếu bạn có ý chí và cơ hội, tại sao bạn không thực hiện cơ hội đó. Đôi khi sự thay đổi cảnh quan môi trường có thể giúp bạn điều trị nghiện hồi phục sau cai nghiện đi theo con đường đúng đắn.
Nơi ở, môi trường mới sẽ có những khác biệt căn bản với những thói quen của bạn ở nơi ở cũ. Chuyển tới địa phương mới là cả một khác biệt to lớn về môi trường. Hãy nghĩ nơi ở mới là nơi hạnh phúc nhất và hãy đến đó, ở đâu cũng có cơ sở giúp người nghiện cai nghiện và phòng ngừa tái nghiện và do vậy đừng bao giờ lo lắng là sẽ bị kết thúc điều trị.
Một vài gia đình bệnh nhân có điều kiện, đưa con em mình về quê “ có người quản và thay đổi môi trường”, nhưng tiếc rằng “người quản” không có khả năng hay không biết tư vấn tâm lâm lý giúp bệnh nhân duy trì động viên, tạo động lực tiếp tục thay đổi hành vi. Kèm theo là những khó khăn không đáng có ở nơi ở mới nếu bệnh nhân muốn tiếp tục tham gia điều trị nghiện. Cuối cùng, không bao lâu sau, không “giữ chân” được cho con em mình.
Khó khăn này nói ra được, tiếc rằng làm khó làm được, nhưng xưa nay ai biết ước mơ, người ấy biết hành động! Chương trình MMT hiện nay là phương pháp điều trị nghiện được đánh giá là thuận tiện hơn cả trong điều kiện của chúng ta, và có lẽ trong tương lai MMT sẽ phổ biến trên cả nước.
4/. Đừng bao giờ hối thúc thay đổi điều trị:
Hối thúc thay đổi điều trị là công việc của bác sĩ và của bạn, nhưng thông thường trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, sự hối thúc thay đổi là không cần thiết. Methadone và Suboxone được công nhận có hiệu quả cải thiện khi sử dụng lâu dài, nếu bạn cố gắng kết thúc điều trị sớm có thể làm mất ổn định quá trình hồi phục của bạn, và đó chỉ là cảm nghĩ của bạn mà thôi. Đừng bao giờ liều lĩnh cho đến khi bạn phục hồi hoàn toàn.
Câu “dục tốc bất đạt” (câu nói của tiền nhân từ thực tế cuộc sống – hay của các bậc học thật ngày xưa), trong điều trị nghiện ma túy rất có ý nghĩa quyết định thành công – các bậc học giả ngày nay không cần bàn cãi gì thêm !
5/. Hãy sống những gì khác “chất lượng hơn”:
Sau một vài tuần giải độc các chất dạng thuốc phiện (trước khi tham gia cai nghiện bằng Methadone), bạn bị trầm cảm nặng và nản lòng là chuyện bình thường, bạn sẽ thấy trên đời này không có gì làm cho bạn thích thú hoặc làm cho bạn hạnh phúc. Thực tế, vì sự nghiện ngập của bạn đã làm bạn tê liệt với các nguồn thích thú khác. Nhưng tin tốt là những cảm giác thích thú với những gì cảm xúc cũ trước khi nghiện trong cuộc đời sẽ bắt đầu trở lại sau 1 – 2 tuần lễ.
Như vậy, hãy tìm những thích thú nguồn gốc tự nhiên như tập thể dục thể thao, ăn món ăn hợp khẩu vị, làm việc gì đó có tiền thưởng, sáng tạo hay tham gia sinh hoạt nghệ thuật hay làm một việc gì đó có lợi cho cộng đồng dân cư nơi bạn chung sống. Tất cả những hoạt động này có thể mang lại cho bạn một sự thúc đẩy thích thú tự nhiên. Và một khi bạn có thể biết được rằng bạn có thể có những điều thật sự không liên quan tới thích thú dùng ma túy là bạn đang trên đường đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
Lời khuyên trên như đã rõ ràng, khi bắt đầu vào chương trình điều trị nghiện là bắt đầu một cuộc đời mới, dù bối cảnh gia đình không thay đổi nhiều, nhưng bạn hãy bình tâm quên cái cũ là cái mới, theo thời gian sẽ tự đến.
6/. Hãy làm nhiều việc:
Cách thức giữ tốt nhất không cho ma túy tồn tại trong trí óc bạn là là lấp đầy trí óc bạn bằng các suy nghĩ khác. Hãy làm công việc của mình một cách chăm chỉ. Nếu bạn có đầu óc sáng tạo hay một sở thích nào đó, bạn hãy tập trung vào khả năng đó với với mức độ cao hơn. Hãy đọc sách và xem những bộ phim hay. Vì buồn chán là kẻ thù tệ nhất của quá trình hồi phục trong qua trình điều trị nghiện, bạn hãy thay đổi các hoạt động của bạn vào bất kỳ lúc nào khi các hoạt động ấy trở nên cũ kỹ nhàm chán.
Ai cũng muốn làm được nhiều việc cho bản thân, cho gia đình. Để làm nhiều việc phải có kế hoạch, làm việc từ dễ đến khó, … Do vậy hãy cùng gia đình đăng ký với chính quyền phường xã học một nghề nào đó hợp với học vấn và năng khiếu.
7/. Phải biết những gì kích hoạt dùng ma túy và có chiến lược đối đầu với những kích thích đó:
Qua thời gian, bạn sẽ lưu ý rằng có những việc làm bạn nhớ lại chất ma túy. Một số khởi điểm kích hoạt có thể liên quan trực tiếp tới cuộc sống khi còn nghiện của bạn, trong khi có những việc khởi điểm kích hoạt sử dụng ma túy mới. Bạn hãy học cách nhận thức về các khởi điểm kích hoạt này và hãy thực hiện từng bước chắc chắn là bạn có thể đối đầu với các khởi điểm kích hoạt đó. Nếu bạn không thể nhận thức ra các khởi điểm kích hoạt cũ và mới đó, bạn hãy trao đổi với bác sĩ và chuyên gia tâm lý trị liệu để có chiến lược đối đầu với các khởi điểm kích hoạt mà bạn không thể vượt qua.
Không ai biết rõ những gì làm bạn nghĩ tới ma túy rồi tìm kiếm tiền để mua. Giấu giếm rồi người thân cũng biết, bây giờ bạn hãy nói ra, chân tình rồi mọi người sẽ giúp bạn tránh xa những kích hoạt dùng ma túy đó.
8/. Xử lý tận gốc nguyên nhân nghiện của bạn:
Đây là cơ hội tốt cho tiến trình hồi phục của bạn và nó bao gồm các bước, cách thức và các kỹ thuật điều trị. Nếu không đạt, bạn hãy tìm các bác sĩ và chuyên viên tâm lý giỏi về nghiện ma túy và phòng ngừa tái nghiện, làm việc với họ một cách kỹ lưỡng nhất, trả lời cho được lý do tại sao bạn đến với họ. Có thể bạn có khó khăn về tâm lý và những khó khăn này là nguyên nhân nghiện của bạn, trong đó vấn đề quan trọng là có phương pháp trị liệu trực tiếp những khó khăn tâm lý này trong suốt thời gian điều trị nghiện.
Nguyên nhân gốc rễ thì nhiều, đơn giản như các stress cùng lúc với tính cách yếu đuối và bị bạn xấu rủ rê,… Khi nghiện rồi, tới cơn vã thì đau đớn, thèm muốn quay cuồng, … Bác sĩ và chuyên viên tâm lý đều biết và sẵn sàng giúp bạn uống đủ liều thuốc đồng thời với an ủi, động viên bạn. Hãy nhớ “sông có khúc, người có lúc”, ráng lên sẽ vượt lên tất cả !
9/. Cởi mở với bác sĩ và chuyên viên tâm lý của bạn:
Để bạn có được sự chăm sóc tốt nhất, các bác sĩ và chuyên viên tâm lý cần hiểu biết một cách chính xác những gì xảy ra với bạn trong suốt quá trình điều trị. Đừng che dấu cơn thèm muốn “hàng nghiện”, về các triệu chứng cơ thể hay bất cứ biểu hiện đau yếu nào mà bạn đang phải chịu đựng.
Sẽ là một ý tưởng tốt để tránh làm một việc gì đó mà bạn không muốn bác sĩ và chuyên viên tâm lý của bạn biết. Nhưng nếu bạn có lúc mệt mỏi và thỉnh thoảng sử dụng lại “hàng nghiện”, thì hãy hiểu rằng bác sĩ của bạn sẽ không phán xét xấu về bạn. Hãy để cho bác sĩ biết chính xác việc đó đã xảy ra thế nào và bạn có thể cùng trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều Methadone và cách tiếp cận với tình trạng tâm lý của bạn một cách hợp lý.
Không nói ra bác sĩ và chuyên viên tâm lý giỏi cũng biết những khó khăn khi bạn bị nghiện ngập. Nhưng nói ra bác sĩ sẽ tin tưởng bạn nhiều hơn và từ đó giúp bạn cũng nhiều hơn.
10/. Cởi mở với những người bạn yêu thích:
Với những người thân yêu thích, điều cốt yếu là bạn cho họ biết đang nghiện hay dùng “hàng nghiện” nào. Cho họ biết, họ sẽ tin bạn và có trách nhiệm với bạn. Hãy chia sẻ cảm giác và nói thật lòng về bất cứ cơn thèm muốn ma túy sắp tới nào của bạn. Đừng ngại hay xấu hổ khi yêu cầu sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè. Nên nhớ rằng đó là lý do mà họ sống chung với bạn.
Khi không may bị nghiện rồi, dù bạn có khôn lanh, thậm chí che dấu xảo quyệt (với người trong gia đình, rối đến người ngoài – cuối cùng là cả xã hội ) thì trước sau cũng bại lộ, và còn bị mất niềm tin nữa. Do vậy hãy chân tình trong tình yêu thương đùm bọc của người thân để lấy lại niềm tin của họ. Bạn nên nhớ rằng xưa nay ông cha ta xử thế “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”.
Những người nghiện ma túy nói chung, dù ít hay nhiều tuổi, đều có những khó khăn nhất định trong hoạt động tâm thần. Nghiện ma túy có thể gây ra bệnh tâm thần, hoặc có thể vì bệnh tật ( trong đó chủ yếu là rối loạn tâm thần ) mà nghiện ma túy, … Khi nghiện rồi, cơ thể hết cường tráng, sức khỏe yếu dần dần, có khi lây nhiễm thêm bệnh xấu khác, đồng thời các hoạt động tâm thần cũng “dần dần khác” với mọi người. Người nghiện có xu hướng tự tách biệt và … bị tách biệt ( ? ! ), đôi lúc còn muốn và làm cho cuộc đời ngừng trôi. Nhưng cuộc sống cứ diễn ra và tâm lý bệnh nhân điều trị nghiện trong chương trình MMT vẫn ngày đêm mong được trở lại “phàm phu” như mọi người. Họ biết các thuốc điều trị nhiễm HIV hiện nay rất hiệu quả và vẫy tay chào bác sĩ và chuyên viên tâm lý khi bác sĩ nở “nụ cười – kiến thức” với họ.
Với chúng tôi, bệnh nhân nghiện rất hiểu về các chất gây nghiện – họ cũng rất cần tự hiểu các cách thức theo đuổi điều trị cùng với sự thân thiện của tất cả mọi người.
Bs Phạm Văn Trụ. PGĐ BVTT
Trưởng Nhóm hỗ trợ chuyên môn Chương trình Methadone Tp Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
How to prevent opiate addiction relapse. Anne Watkins. Methadone Maintenance.